1. Mời cơm:
Các bạn trẻ bao giờ cũng thèm khát. Vì thế, khi vào mâm, các bạn rất nhiệt tình ăn, đặc biệt ngay từ phút đầu và với món ăn các bạn yêu thích. Khi có quy tắc mời cơm, các bạn chắc chắn sẽ phải ngừng lại 1 chút, điểm mặt các thành viên có tham gia ăn bữa đó bằng cách mời cơm. Khi đó, các bạn sẽ phải biết nghĩ đến tất cả mọi thành viên trước 1 món ăn ngon lành. Các bạn sẽ biết nhìn và nghĩ đến người khác.
2. Chờ người lớn tuổi nhất ăn trước:
Các mẹ tin không, nhờ áp dụng quy tắc này, tớ đã phát hiện ra rất nhiều vụ tham ăn, chia nhau hết sạch đồ ăn trước khi tớ và các cô giáo ngồi vào mâm. Trẻ háu đói và chưa biết điểm dừng. Chính việc chờ đợi đó đã khiến trẻ phải nghĩ đến người lớn (Họ có đặt đũa ăn thì các bé mới được ăn mà). Rõ ràng trẻ sẽ biết cách chia sẻ và nghĩ đến người khác hơn.
3. Phần cơm trước khi ăn:
Chẳng có cách giáo dục sự sẻ chia nào tốt hơn. Quy tắc nhà tớ là phần cơm người về muộn trước khi ăn và phần nhiều hơn. Rõ ràng khi đó, trẻ buộc phải nghĩ đến người khác, học cách chia sẻ và không ích kỉ.
4. Không động chạm vào đồ dùng của cha mẹ:
Ấy nhé, đừng nghĩ đến việc mẹ cứ cho con dùng đồ của mình vô tư là thể hiện tình yêu con. Sai nha. Trẻ được dùng đồ của người nhà vô tư thì sẽ thành thói quen và nghĩ đồ của ai cùng dùng được. Như vậy, việc cho con dùng đồ vô tư, không hỏi han, xin phép chính là tạo thói quen ăn trộm cho con đó các mẹ.
5. Không đi qua trước mặt người khác, không la hét, nói to, dậm chân thình thịch:
Rõ ràng, hành vi này làm phiền người khác. Vì thế nếu phạt con khi nó đi ngang qua mặt người khác, nói to, dậm chân…. là dạy con Không làm phiền ai và chắc chắn con sẽ tế nhị hơn trong giao tiếp, ứng xử.
6. Tự dọn đồ của mình:
Đó chính là việc học chăm sóc chính bản thân mình, học cách quản lý đồ dùng và xây dựng kế hoạch sử dụng đồ dùng. Khi chúng ta dọn dẹp đồ sạch sẽ mọi lúc mọi nơi, chúng ta sẽ kéo dài được tuổi thọ của đồ dùng, học cách tiết kiệm thời gian (không phải lo tìm đồ đạc), và xây dựng kế hoạch cuộc sống tốt nhất.
7. Không ở lâu trong phòng vệ sinh:
Ngày xưa, nhà tớ sống trong 1 cái ngõ nhỏ xíu của nội đô HN. Tại đó, cả ngõ 50 – 60 con người sử dụng chung 1 nhà vệ sinh. Vậy mà chưa bao giờ tớ thấy cảnh xếp hàng chờ đợi vào nhà vệ sinh vì ai cũng vào và ra rất nhanh.
Giờ hiện tượng các bạn tắm, đánh răng, đi vệ sinh rất lâu không hề hiếm. Có bạn còn mang sách truyện vào đọc hoặc điện thoại vào đó chơi. Các nhà giờ cũng có nhiều nhà vệ sinh nên không thấy bất tiện.
Tuy nhiên, rõ ràng đây là hành vi ích kỉ, ít quan tâm đến người khác. Vì thế, dù gia đình có điều kiện, các cha mẹ cũng không nên để con cố thủ trong nhà vệ sinh quá lâu.
8. Tắt đèn và điều hòa hoặc quạt khi ra khỏi phòng:
Điều này sẽ dạy con biết sống điều độ tiết kiệm, tránh lãng phí và phòng tránh cháy nổ.
9. Tự làm mọi việc đến cùng không cần nhắc nhở:
Rõ ràng việc tự làm đến cùng chính là dạy con sống và làm việc trách nhiệm. Nhắc con học, không cho nó làm việc nhà là dạy con vô trách nhiệm đó.
10. Nhường đường cho người khác, xếp hàng:
Các bố mẹ đừng coi thường các kĩ năng này nhé. Nếu không nhường đường, chen lấn xô đẩy, các con sẽ quen với nếp sống chụp giật, vội vàng, thiếu kiên nhẫn và tập trung. Các bố mẹ thường kêu ca con mình mất tập trung, vì sao? Vì lý do này đó.
11. Làm sai bị phạt và không giúp con giải quyết hậu quả
Các bố mẹ chúng mình nếu nghe chuyện cô phạt con ở lớp là sẽ phạt nặng, thậm chí đánh thêm chứ không bao giờ bênh vực con dù thày cô có đánh khá đau. Cái này dạy trẻ chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Từ đó, con sẽ kéo dài được tầm nhìn, biết phòng trước hậu quả và sẽ có cuộc sống an toàn và thành công hơn.
Chưa đủ đâu, nhưng mới có 11 nguyên tắc, các bố mẹ mình đã dạy mình rất nhiều đạo đức sống. Vì thế, sao các cha mẹ ngày nay không dạy con? Bảo sao lũ trẻ ngày nay ích kỉ, thích làm phiền người khác, vô trách nhiệm, dễ ăn cắp vặt, tầm nhìn hạn hẹp, hay bao biện, đổ lỗi, không biết rút kinh nghiệm…
Vì thế, dạy con đi các bố mẹ nhé.