Thể theo yêu cầu của các bố mẹ, tớ đăng lại bài này. Tớ hi vọng sau khi bài này ra đời, không còn có hiện tượng giáo dục “không phạt” phá hoại cuộc sống của trẻ em nữa.
Trước hết, tớ phải nói thẳng, tớ là người nói được thì làm cũng được. Tất cả những chiêu trò thưởng phạt này, tớ đã áp dụng cho cô con gái Péo của tớ. Nàng không ghét mẹ, yêu mẹ và hơi bị phụ thuộc tình cảm vào mẹ là khác. Nàng luôn thấy cách giáo dục của mẹ nàng là quá ổn, nếu không nói là hoàn toàn chính xác. Nàng chẳng ức chế mẹ bao giờ mặc dù mẹ phạt tóe loe còn nàng lại ức chế bố dù bố không bao giờ phạt mà chỉ quát mắng và thưởng rất nhiều.
Trước hết, các bố mẹ và thầy cô giáo à, muốn thưởng phạt phân minh, mình không thiếu công bằng với bất kể ai, chúng ta cần có một số nguyên tắc sau:
- Xây dựng luật lệ. Ban đầu có thể chỉ là 3, 4 điều luật nhỏ như: ai không đánh răng thì sẽ bị mất quyền lợi gì đó, bạn nào nói to trong giờ học không xin phép sẽ phải ngồi ghế xấu… rồi tăng dần. Các điều luật đều phải được phổ biến đến tận từng thành viên trong gia đình hoặc lớp học.
- Luật sẽ công bằng với tất cả mọi thành viên. Bố sai cũng bị phạt, cô giáo sai thì cũng phải ngồi ghế xấu. Cách ứng xử công bằng sẽ được thể hiện rõ nếu hôm nào đó người lớn phạm lỗi (nếu không thì cố tình phạm 1 cái cho trẻ thích) và bị phạt. Tớ đã từng tự phạt bản thân không được đi chơi do lỗi nói dối con gái, nó rất cảm thông với mẹ mặc dù cười hết sức khoái chí.
- Không có bất kể ngoại lệ nào thì trẻ sẽ vui lắm. Thế nhưng nếu em bé dưới một tuổi hoặc ông bà quá già thì có thể xếp vào dạng “Bình vôi“. Bọn trẻ chắc chắn sẽ chấp nhận điều đó. Ngoài ra, bố mẹ mạnh khỏe thì không nên được xếp “bình vôi”, điều phi lý đó trẻ không chấp nhận đâu.
- Không xâm phạm vào thân thể và danh dự của bất kể ai.
- Khen các con chứ đừng thưởng. Hình thức khen kiểu: “Sao các bạn cứ ngoan hơn bác Hương thế, bực ghê”, “đề nghị các bạn đừng ăn nhanh quá mà bác Hương thua thì buồn lắm” làm lũ trẻ cười sằng sặc và cố gắng hơn nhiều đấy.
Dưới đây là các hình phạt không gây ra áp lực cho trẻ. Các bà mẹ ông bố và các thầy cô giáo đều có thể áp dụng và chắc chắn sẽ thấy hiệu quả dù nó không ảnh hưởng gì đến trẻ.
- Ngồi ghế xấu hoặc úp mặt vào tường.
Đừng nghĩ tụi nhỏ nó mới sợ, lớn thì thôi nhé. Tớ đã từng phạt hai anh cao 1m8 mỗi anh một góc. Phạt cái là sợ, năn nỉ: “bác ơi, xấu hổ quá, bác đổi hình phạt giúp cháu với”. Kệ nha, phạt cho đủ số là lần sau khỏi phải nhắc, các bạn ấy tử tế lắm.
- Chép phạt.
Lứa tuổi từ lớp một trở lên có thể chép vô tư rồi. Chép phạt chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Thậm chí, chép phạt còn làm trẻ rèn chữ tốt hơn. Hãy chọn một câu răn đe phù hợp nào đó như: “Đi học muộn là rất xấu xí” để dành cho tội đi học muộn. Nếu chép phạt hai trang như vậy, bạn ấy sẽ nhớ lắm cái tội danh mà mình đã phạm phải.
- Lao động.
Dọn dẹp phòng học, quét sân trường, lau tủ bếp… những hình thức phạt hết sức phù hợp với các bạn trẻ. Vậy tại sao không phạt nhỉ?
- Tập thể dục.
Đứng lên ngồi xuống độ 10 cái, đi cầu thang 1, 2 tầng là chuyện nhỏ nhưng nó mang danh hình phạt thì cũng “đáng sợ” phết. Các bạn dù lớn hay bé cũng làm được món này cả nhỉ.
- Tịch thu quyền lợi.
Nếu cả lớp được ăn kẹo, mà đám nói chuyện ầm ào không được ăn thì cũng xót xa lắm, cả nhà ăn kem còn kẻ không hoàn thành bài học phải ngồi nhìn… thì còn hình phạt nào đau đớn bằng. Thư péo đã từng bị ở nhà khi mẹ đi đám cưới. Sau hai giờ khóc liên tục và 1 năm sau nghĩ lại vẫn khóc thì nàng ấy tuyên bố: đây là hình phạt đau đớn nhất đời nàng.
- Ngậm nước.
Các bạn nào hay nói leo, nói bậy, làm phiền người khác bằng tiếng nói thì hình phạt này sẽ giúp bạn ấy hiệu chỉnh chính mình rất nhanh. Tầm 10 – 15 phút ngậm nước sẽ khiến bạn ấy trầm tính hơn và hiểu mình cần giữ miệng giữ mồm.
- Cho nghỉ học.
Nếu bạn nào đó lười học và không hoàn thành bài học thì có thể cho bạn ấy tạm thời nghỉ học. Đừng nghĩ trẻ ghét đi học. Không ạ, các con chỉ ghét học chứ rất thích đi học vì đó là thế giới của các con. Vậy nên, nếu cần, cho các chàng/nàng nghỉ một vài ngày không hẹn lúc nào sẽ tha thứ cho đi học lại thì các nàng sẽ sợ lắm ý. Thề luôn.
…..
Các mẹ tiếp tục sáng tạo các hình thức thưởng phạt khác nhau đi nhé. Nguyên tắc như trên, tớ hy vọng là sẽ có nhiều hình thức phạt mới không đau vì…”quá đau”. Đám trẻ bị trả giá xong sẽ hiểu chuyện và ngoan hẳn ra đó ạ.