Các mẹ ạ, con người ai cũng có tự trọng. Tuy nhiên, do cách nuôi dạy của chúng ta có vấn đề, một số bạn sẽ xuất hiện hiện tượng thiếu tự trọng. Vậy hệ lụy của việc này là gì?
- Không khó chịu khi bị mắng mỏ hoặc phê bình.
Tớ đã nhìn thấy những khuôn mặt hớn hở của mấy bạn này khi bị mắng. Càng mắng càng hớn hở. Đặc biệt là khi cô giáo hỏi: Ai làm…? Ai là…? thì các bạn ấy dơ tay một cách rất trung thực, mắt lấp lánh niềm vui. Trông các bạn ấy không hề có vẻ ân hận, ngại ngùng hay lo sợ gì.
- Không rút kinh nghiệm.
Ừ thì có nghĩ gì đâu, có cảm thấy ngượng, xấu hổ, hay ân hận, tiếc nuối gì đâu mà rút kinh nghiệm. Các bạn cứ liên tiếp lặp đi lặp lại những trò nghịch dại vớ vẩn mà đã bị nhắc nhở vô khối lần. Trong khi mọi người ai cũng bực lắm rồi thì các bạn ấy vẫn tiếp tục trò của mình chẳng thèm rút kinh nghiệm gì hết.
- Không có bạn.
Thật sự rất khó để có bạn khi bản thân là người cứ thoải mái làm phiền người khác hoặc có một vấn đề gì đó mà góp ý mãi không nghe, không buồn thay đổi. Thường thì bọn trẻ sẽ xa lánh các bạn này. Có cháu tâm sự với tớ, ngay cả con, khi chơi với bạn ấy, con cũng cảm thấy ngượng khi bạn ấy liên tục bị nói. Thế mà bạn ấy cứ trơ ra.
Cảm giác ngại ngùng đó khiến bọn trẻ không thích kết bạn với các bạn này.
Thế nhưng bố mẹ đã làm gì để con thành như vậy?
- Đánh nhiều quá.
Các bạn bị đánh, bị mắng nhiều, dần dần sẽ bị trơ cảm xúc. Vấn đề này mà bố mẹ không nhìn ra thì sau đó cả bố mẹ lẫn con đều khổ. Các bố mẹ cần ngay lập tức ngừng đánh con. Chúng ta cần chuyển chế độ sang nghệ thuật thưởng phạt ngay và luôn.
- Coi con như đứa trẻ.
Đánh xong, quát xong, coi như xong. Sau đó, bố mẹ lại tiếp tục chăm, tiếp tục hầu hạ con chứ không tìm các phương pháp giáo dục hiệu quả. Đặc biệt, bố mẹ luôn nghĩ nó còn bé, nó biết gì. Đây chính là lý do khiến các bạn ấy cũng nghĩ, mình còn bé mà, không sao đâu.
Tớ đã thử thay đổi cách tương tác với bọn trẻ và nhận ra, mình cứ tương tác kiểu với trẻ em, lập tức các con là trẻ con. Còn mình tương tác như với người lớn, lập tức các con tự coi bản thân là người lớn và nghiêm túc hẳn.
- Dễ dãi bỏ qua những biểu hiện xấu nho nhỏ.
Các bạn ấy cứ làm mấy trò điên rồ thì bố mẹ mặc kệ vì nghĩ, lớn lên nó sẽ tự biết mà sửa. Nhưng thực tế chẳng có gì là tự biết cả. Vì không được nhắc nhở từ những điều rất nhỏ, con càng ngày càng cư xử hoang dại và thoải mái.
Vấn đề này sẽ càng nghiêm trọng nếu cha mẹ bênh con trong những trường hợp kỳ quái. Tớ biết có những gia đình, anh mắng em vì tội vô duyên thì mẹ mắng ngược lại anh, cho rằng anh đang ghen tị với em. Chính cách cư xử kì lạ này của mẹ đã tạo ra cho em môi trường để phát triển tính trơ, thiếu tự trọng.
- Không đề cập đến vấn đề danh dự khi dạy con.
Khơi gợi đúng, con sẽ rất tự trọng. Nhưng nếu không, con sẽ mặc định là thứ đó không tồn tại trên đời. Vì thế, các cha mẹ đừng quên nói về vấn đề danh dự với con nhé.
…
Cách xử lý thì chỉ cần rút kinh nghiêm dần dần, thưởng phạt nghiêm minh, chia sẻ tâm sự với con về danh dự, hình ảnh, cảm xúc của người đối diện. Mưa dầm thấm lâu, dần dần con sẽ có tự trọng và sửa đổi hết hành vi xấu.