ÉP TRẺ THUỘC LÒNG – MỘT CÁCH DẠY RẤT PHẢN KHOA HỌC

Tự dưng hôm nay, một ngày mưa gió, tớ lại nhớ đến những tháng ngày quần quật học thuộc lòng hồi phổ thông. Đến giờ, tất cả những dòng chữ đó không đọng lại dù một dấu chấm phẩy trong não tớ. Lúc này, tớ nghĩ đến cách tớ học sau đại học, rồi nghiên cứu để đi dạy một môn học khá khủng bố mà không mang theo tài liệu, chỉ đọc trong đầu ra cũng dạy ổn. Đi dạy 20 năm, không nhìn tài liệu mà các con số tớ nhớ không sai dù ba số sau dấu phẩy.

Giờ nghĩ lại, tớ nhận ra, để nhớ được tuyệt đối không phải do học thuộc lòng. Học lải nhải vài câu rồi con số, quen miệng, thuận miệng thì nhớ được lúc đó thôi, sau vài tháng sẽ quên hết. Bởi vì cách học thuộc lòng chính là khiến trẻ ghi nhớ ngắn hạn. Dài hạn thì chắc chắn không nhờ cách học thuộc lòng đâu. 

Học thuộc lòng khiến trẻ quên nhanh, kiến thức rỗng. Vậy để trẻ ghi nhớ, cách học là gì

1. Nhớ bằng quan sát.

Cha mẹ ạ, bọn trẻ khác chúng ta rất nhiều. Các con sẽ chụp hình mọi thứ rồi ghi nhớ trong não. Do vậy, nếu các con được kích thích quan sát, so sánh, đối chiếu bằng vật thật, hình thật… các con sẽ ghi nhớ rất rất lâu. 

Để làm việc này, cha mẹ cần cho các con trải nghiệm thật nhiều, yêu cầu con sử dụng mọi giác quan để quan sát như: ngửi, nếm, sờ, nghe… Nếu ra ngoài trải nghiệm, con mang theo sách vở để so sánh thì bài trên lớp sẽ chui tọt vào não con và cố thủ trong đó.

Tớ ví dụ nhé:

Ôi con ơi, cái bánh này trông giống chữ O quá. Lấy vở ra so xem cái nào tròn hơn nào.

Á, bác bán hàng có cái cân kìa. Con thử cân cái món này xem nó bao nhiêu ki lô gam, hay nó chỉ vài gam thôi…

Cái cây này có mùi hắc hắc nhỉ, nó là loại cây quen sống ở vùng nào vậy con. Mở sách ra xem nào.

2. Ghi nhớ bằng màu

Khi các con học bài, nêu con cầm bút màu tô vào những phần cần ghi nhớ, con sẽ nhớ bằng chụp hình và nhớ lâu hơn.

Các bài học nếu được phân biệt rõ màu sắc như thế, con không mất công học thuộc mà nhìn lướt qua vài lần cũng nhớ rồi.

3. Ghi nhớ bằng các dạng sơ đồ.

Có nhiều kiến thức dài và rối rắm. Nếu trẻ ngồi đọc sẽ toát mồ hôi cả vài tiếng vẫn lẫn lộn lung tung.

Nhưng nếu thiết kế thành các dạng sơ đồ như: sơ đồ cột, sơ đồ tư duy, sơ đồ hình tròn, sơ đồ bong bóng…. con sẽ ghi nhớ cực nhanh

4. Ghi nhớ bằng bảng so sánh.

Tưởng tượng mấy môn như Địa lý kinh tế mà nhớ được diện tích, dân số, đặc tính dân cư… các mẹ cũng toát mồ hôi chứ nói gì bọn trẻ.

Thế nhưng mấy cái bảng so sánh được làm rồi dán lên tường. Mỗi ngày qua lại ngắm một cái là tự mình ghi nhớ rồi, đâu cần ngồi tụng bài nữa.

5. Ghi nhớ bằng liên tưởng.

Tớ nhớ con số khá nhanh vì liên tưởng đủ thứ. Từ ngày sinh của mình, của con mình, bố mẹ mình, các loại ngày lễ…. đều được tớ đem vào liên tưởng với các con số cần nhớ. Các công thức cũng thế, nhớ dựa vào liên tưởng sẽ nhanh và chắc hơn.

Cũng vì thế, có kiến thức phổ thông dù không nằm trong kiến thức thi cử, tớ vẫn nhớ tới ngày nay (xấp xỉ 40 năm rồi đó).

Tóm lại, học tốt cần chủ động và sắp xếp khoa học. Chứ không thì cố mãi con không nhớ, mẹ cáu, bố bực là đương nhiên.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trống