DẠY CON GIAO TIẾP HÀNG NGÀY

Các bố mẹ nhà mình mất rất nhiều tiền cho các khóa học giao tiếp của các con và hy vọng con mình sẽ giao tiếp lịch sự, tự tin, hòa đồng và có thể hữu ích trong công việc sau này. Tuy nhiên, thực tế chẳng khóa học nào có thể dạy con tốt và bền lâu như chính cha mẹ dạy con trong cuộc sống hàng ngày. Các nguyên tắc giao tiếp càng được đảm bảo thì con càng có khả năng giao tiếp tự tin và lịch sự. Vậy các nguyên tắc là gì?
1. Nói đầy đủ chủ vị.
Có nhiều cha mẹ nói năng cộc lốc với con. Đến 90% các câu nói với con là câu ra lệnh: có nhanh lên không? Ăn đi!, Đi giày vào!, Làm gì đấy!, Bảo có nghe không?….
Những câu nói này là hình mẫu để con học theo và chẳng khó khăn gì chúng ta sẽ nhận thấy con mình nói năng trống không, cốc lốc. Nếu cha mẹ rèn thói quen nói đầy đủ chủ vị và yêu cầu con phải nói cho đầy đủ rồi mới trả lời con thì dần dần các con sẽ hình thành nếp nói năng đầy đủ câu, không cộc lốc, trống không rồi.
2. Nói đầy đủ kính ngữ.
Tiếng Việt cũng như các thứ ngôn ngữ châu Á khác, đều có kính ngữ. Việc đó sẽ khiến chúng ta có sự phân biệt giữa người lớn tuổi và người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, để dạy con, chúng ta không thể ỷ thế: Người lớn tuổi hơn mà giao tiếp với con vì nếu như vậy, con sẽ không có thói quen sử dụng kính ngữ.
Các kính ngữ hay sử dụng của chúng ta là: dạ, vâng, ạ, làm ơn, cảm phiền,….
Nếu câu nói cộc lốc, không có những kính ngữ đó, chúng ta sẽ thấy sự hỗn hào trong câu nói. Vì thế, cha mẹ hãy làm ơn nói năng đầy đủ kính ngữ với con để con học theo. Sau này khi con vào tuổi teen rồi, nếu lúc đó con đã hình thành thói quen sử dụng kính ngữ tốt rồi, cha mẹ có thể bỏ kính ngữ khi nói với con cũng được.
3. Chào hỏi lịch sự.
Các cha mẹ và người lớn tuổi thường hất hàm và nói với trẻ: Chào chưa? Ra lệnh nhưng không có hướng dẫn thực hiện thì rất khó cho trẻ, đặc biệt ở tuổi mầm non tiểu học. Vì thế, hãy khoanh tay lại và chào con thật lễ phép. Khi con thấy người lớn chào mình, con sẽ tự động chào.
Điều này tớ đã làm thử nhiều lần cả với các bạn không có thói quen chào hỏi. Tớ khoanh tay lại và chào bạn ấy cực kì lễ phép: Bác chào cháu ạ!. Lập tức bạn ấy cũng nhìn tớ ngại ngùng và: Cháu chào bác ạ! Rất ngoan nhé.
4. Xin lỗi.
Nếu chẳng may mình va vào ai, nếu lập tức xin lỗi họ thì dù đang tức, họ cũng dịu giọng. Còn nếu họ sai, không xin lỗi lại mình thì cũng không sao cả, bản thân họ sẽ áy náy khi bước đi.
Việc dạy trẻ xin lỗi ngay khi va vào ai đó, làm gì sai là chuyện cha mẹ nào cũng làm. Nhưng cha mẹ cũng cần phải làm gương và nhận lỗi với con thật thành khẩn khi trót phạm lỗi.
Tớ đã nghe nhiều cha mẹ xin lỗi con với thái độ rất rõ ràng là: Này, bố xin lỗi rồi, mày nghe chưa, ko nói gì à? Với thái độ đó, trẻ sẽ rất ức chế và sẽ còn tiếp tục bao biện cho hành vi của mình chứ không nhìn ra thành ý của cha mẹ đâu.
Khi bố mẹ đánh mắng con, hãy thành khẩn nhận lỗi và đừng chêm luôn vào câu: nhưng mà tại con…..bla… bla… Con sẽ hiểu ngay câu xin lỗi đó chỉ là chiêu trò dạy dỗ của bố mẹ mà thôi. Như vậy, mọi sự đều xôi hỏng bỏng không cả.
5. Cảm ơn.
Cha mẹ cảm ơn con hãy cảm ơn từ những suy nghĩ chân thành. Cha mẹ hay cảm ơn người khác thì con cũng sẽ hình thành thói quen cảm ơn. Ví dụ, xuống khỏi xe taxi, xe bus, cảm ơn người lái xe 1 câu nhỏ. Nhận tiền trả lại hoặc hàng hóa từ người bán hàng cũng cảm ơn họ 1 câu. Dần dà chính con cũng sẽ cảm ơn như phản xạ và sẽ hết sức lịch sự.
6. Mời cơm.
Các cha mẹ luôn nghĩ đến việc phải cho con ăn cho đầy đủ mà quên đi việc giáo dục con nề nếp trong bữa ăn. Việc này tớ sẽ nói sau nhưng trước hết là đừng quên mời con ăn cơm và yêu cầu con mời cho đầy đủ nhé.
7. Đề nghị lịch sự.
Rất nhiều bạn bé bây giờ cứ hét váng lên câu nói bày tỏ mong muốn của mình mà không có lời đề nghị gì cả. Ví dụ: Uống nước, ăn bánh, đi dép, mặc áo…..
Rất nhiều lần khi được hỏi phải nói sao cho đầy đủ thì các bạn ấy đổi lại là: Con muốn….. Đây là cách giao tiếp thiếu lịch sự. Nếu các bạn muốn các bạn phải nói đầy đủ câu với mẫu như sau: Bố/ mẹ/ ông/ bà/ cô/ bác/…. làm ơn cho con ….. được không ạ.
Việc này nếu các cha mẹ dễ dãi bỏ qua thì con sẽ có phong cách giao tiếp rất hỗn hào và cợt nhả. Hãy chú ý yêu cầu con nói đầy đủ trước khi thực hiện mong muốn của con. Dần dần con sẽ có thói quen yêu cầu lịch sự.
8. Giữ âm lượng vừa phải khi giao tiếp.
Việc này rất ít bố mẹ nghĩ đến. Chúng ta gặp bạn bè cũng hét váng lên vui sướng và điều đó khiến chúng ta nghĩ là bình thường nhưng nó lại đang làm phiền người khác.
Vào quán xá, nói nhỏ xíu cho mọi người được yên tĩnh, không chạy nhảy loạn xạ, la hét ầm ĩ là việc các cha mẹ nên dạy con. Cha mẹ có thể chuẩn bị một món đồ chơi tĩnh cho con ngồi chơi trong lúc đó thì con sẽ thích hơn là phải ngồi yên 1 chỗ mà ngắm cha mẹ buôn dưa.
9. Giữ nét mặt tươi tỉnh khi giao tiếp.
Nếu giao tiếp với thái độ lì xì khó chịu thì mọi người sẽ thêm bực bội. Cha mẹ nên quy định với con là khi con đang thật sự khó chịu thì nên xin phép rút vào 1 góc để “có khoảng không gian riêng tư”. Còn nếu không, con cần dẹp bỏ thái độ lì xì vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng người khác.
….
Còn nhiều nguyên tắc giao tiếp lắm nhưng tớ tóm vài ý ở đây. Rất mong các bố mẹ chú ý dạy con để con được hình thành là con người lịch sự.

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trống