Nếu từ nhỏ trẻ được cha mẹ bao bọc quá, thì khi lớn lên trẻ không có tính độc lập, làm gì cũng phụ thuộc vào người khác. Những đứa trẻ như vậy thường yếu đuối, ích kỷ không biết giúp đỡ và yêu thương người khác. Vậy làm sao có thể giúp trẻ tự lực tự cường trong các hoạt động hàng ngày?
Trong các gia đình Việt Nam hiện nay phần lớn đều chỉ có một đến hai con nên được mọi người chiều chuộng, chỉ cần đòi cái gì là sẽ được đáp ứng ngay, cha mẹ thường làm thay trẻ mọi việc nên từ đó khiến trẻ có tính phụ thuộc cao. Các cha mẹ luôn lo lắng những điều không hay sẽ xảy đến với con mình nên sẵn sàng làm thay trẻ mọi chuyện, điều đó làm cho trẻ cứ gặp khó khăn là lại nhờ người lớn giúp, gặp phải vấn đề là thu mình.
Nhiều cha mẹ lại có thói quen suy nghĩ và quyết định giúp con mọi thứ và cho rằng điều đó sự tốt cho trẻ. Có cha mẹ lại luôn lo lắng khi thấy con mình không chủ động trong học hành, luôn phải giám sát bên cạnh thì con mới làm còn không sẽ không làm theo những yêu cầu của cha mẹ. Nhiều cha mẹ Việt cũng muốn để con tự lập, nhưng thường không đủ kiên nhẫn để theo đuổi trong quá trình rèn luyện cho con và cuối cùng bỏ cuộc. Có cha mẹ an ủi rằng “việc này khó quá, trẻ con sao làm được” rồi sau đó lại làm hộ con. Nếu cha mẹ muốn con mình trở thành một người độc lập, có khả năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống và giải quyết được những vấn đề gặp phải thì cha mẹ không nên làm thay, nghĩ thay hoặc quyết định thay cho trẻ, hãy tin rằng trẻ có thể làm được mọi việc và ủng hộ, động viên trẻ để trẻ cố gắng.
Nhật Bản là một quốc gia hiện đại nhưng giàu truyền thống, cha mẹ Nhật có phương pháp dạy con trẻ tính tự lập rất hay và đáng tham khảo. Chúng tôi xin chia sẻ một số cách dạy con tự lập của người Nhật như sau:
1. Kiên nhẫn trong việc rèn luyện tính tự lập cho con từ việc đơn giản đến phức tạp.
Do truyền thống văn hóa, đa số phụ nữ Nhật sau khi lập gia đình, sinh con, thường ở nhà nội trợ, do đó các mẹ Nhật có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái hơn các mẹ Việt. Nhưng thực tế các mẹ Nhật rất kiên nhẫn trong việc dạy con cái. Chính sự tỉ mỉ, kiên trì đó ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ và các bé Nhật học được tính tập trung, kiên nhẫn từ sớm. Các mẹ Nhật dạy con bắt đầu từ những việc đơn giản và tăng dần mức độ khó lên khi trẻ đã quen dần. Ví dụ như khi trẻ quen với việc cất đồ chơi sau khi chơi, mẹ Nhật mới khuyến khích bé tự dọn dẹp phòng hoặc giúp mẹ làm những công việc nhà đơn giản.
2. Sử dụng các công cụ nhỏ để hỗ trợ
Mẹ Nhật luôn để con tự làm các thứ trong mức khả năng tối đa có thể, đồng thời cũng tạo điều kiện và cung cấp những hỗ trợ cần thiết nhất để con có thể bước đầu tự lập. Điều này giúp trẻ nâng cao sự tự tin nhưng không bị lệ thuộc cha mẹ. Ví dụ khi chế biến đồ ăn cho con, mẹ Nhật rất chu đáo và tỉ mỉ trong việc chế biến thực phẩm, luôn cắt gọn đến mức trẻ có thể tự xúc ăn mà không gặp rắc rối. Đồ ăn như bát đũa được lựa chọn phù hợp và thiết kế riêng cho trẻ dễ sử dụng…
Việc mặc của trẻ được quan tâm và theo chủ trương đem lại sự thuận tiện cho trẻ.
Ví dụ nếu quần áo nhiều cúc khiến cho trẻ khó mặc, thì mẹ sẽ chọn loại quần áo khoá kéo hoặc cúc bấm đơn giản để con có thể tự mặc quần áo. Đặc biệt mẹ Nhật quan tâm đến cả chi tiết rất nhỏ như việc thêu một hình ngộ nghĩnh nhỏ vào giày cho con, để con biết phân biệt giày trái phải.
3. Kiên trì với sai sót của trẻ
Quá trình học tập và thực hành của trẻ là một quá trình học hỏi kéo dài và sai sót là đương nhiên. Trẻ cần học cái đúng từ cái sai và cha mẹ cần luôn đứng bên kiên trì dạy dỗ và luôn cổ vũ đúng lúc tạo cho trẻ động lực phấn đấu. Để dạy được một đứa trẻ biết cất đồ sau khi chơi, tự vệ sinh, mặc quần áo, tự đi đến lớp khi học cấp 1 là cả một quá trình kiên trì dạy dỗ của mẹ Nhật.
Ưu điểm trong phương pháp dạy con của mẹ Nhật là không nên la mắng bé khi bé chưa thể tự mình làm được những việc đó. Việc la mắng bé chỉ làm bé mất tự tin với khả năng của mình. Thay vào đó, mẹ nhẹ nhàng hướng dẫn cho bé cách làm một lần nữa.