Một lượng lớn trẻ em Việt Nam ở tầm tuổi này đã biết đọc biết viết nhưng bà Thủy nhà tớ thì còn lâu. Lý do có thể là sự sốt ruột của cha mẹ (bà Hương không sốt ruột), sự lo lắng thái quá của các bậc sinh thành. Tuy nhiên, cũng có thể là một tuổi thơ quá nghèo nàn với các hoạt động ít ỏi và lặp đi lặp lại đã hướng đứa trẻ đến những khám phá con chữ.
Một lịch trình sinh hoạt nhàm chán với sự can thiệp sâu sắc của những người lớn trong nhà, thái độ thiếu tôn trọng (luôn tự khẳng định là con không biết gì) của bố mẹ, ông bà, sự canh chừng của cả nhà với đứa trẻ để tránh mọi sự nguy hiểm đã khiến bọn trẻ cảm thấy vô cùng tù túng. Đây cũng chính là lý do khiến chúng đi tìm niềm vui ở con chữ.
Thật ra, tự học chữ cái để đọc sách không quá khó. Mà món đó thì đằng nào cũng sẽ học khi lên sáu tuổi. Nhưng còn vô vàn các món khác đứa trẻ 4 – 5 tuổi cần học thì lại không được học và không biết làm. Vậy tớ xin liệt kê ra đây những thứ bọn trẻ con cần học ở tuổi này nhé.
- Sử dụng đũa.
Con đã đủ lớn để bắt đầu làm quen với một môn nghệ thuật tuyệt vời là sử dụng hai cái que nhưng vẫn gắp rất ổn. Để học món này, con phải có đôi tay rất khéo léo. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng một đôi đũa riêng nho nhỏ, vừa tay con để con tập gắp. Nếu con làm được, nhớ vỗ tay khen con giỏi nhé.
- Làm đồ thủ công.
Đừng nghĩ trẻ không làm được, những dạng đồ thủ công nho nhỏ sẽ khiến trẻ bớt nghịch hơn rất nhiều vì chúng còn mải tỉ mẩn làm. Ban đầu, khi còn nhỏ, cho các con xé dán là một niềm vui vô cùng tuyệt vời mà lại rèn luyện sự khéo léo cho đôi bàn tay. Với lứa tuổi lớn hơn, các mẹ có thể dạy con làm đồ thủ công phức tạp hơn như cách làm các con thuyền nhỏ, dán đèn ông sao.
- Sử dụng dao.
Dạy con cầm dao tuổi này không phải là quá sớm. Quan trọng là chúng ta sẽ dạy thế nào thôi. Ban đầu, cha mẹ mua cho con một túi dao nhựa để con làm đồ chơi. Cho con chơi với quả dưa chuột trước nhé. Sau khi con đã có thể gọt quả dưa chuột dễ dàng thì cho con cầm dao nhựa cắt giò, chả phục vụ bữa cơm gia đình. Khi con được tham gia vào các công việc quen thuộc, con sẽ vô cùng thích thú và chăm chỉ làm.
- Sử dụng kim.
Con đủ khéo để học món này rồi. Cha mẹ có thể tập cho con được rồi đó. Với cây kim khâu len to đùng được trẻ xâu sợi chỉ nhỏ xíu, xâu vào những lỗ thủng cũng to đùng được cha mẹ chọc trước trên tấm bìa, bài tập khâu vá này sẽ giúp trẻ vừa học kỹ năng khâu vá vừa phát triển não vô cùng tốt.
Các cha mẹ lấy tấm bìa cứng nhỏ, vừa tay cầm của con. In hình hoạt hình dễ thương ra giấy và dán lên tấm bìa. Sau đó, các mẹ dùng kim đục trước các lỗ thủng theo đường viền của hình.
Lưu ý: Lỗ thủng vừa thôi nhé, đừng quá to kẻo con sẽ làm rách tấm bìa ra.
Đưa cho con cây kim khâu len loại to, cây kim đó sẽ có đầu rất tù nên không đâm vào tay các con. Hướng dẫn con xâu sợi chỉ nhỏ luồn qua lỗ kim. Tiếp tục hướng dẫn con xâu kim qua những lỗ thủng đã chọc sẵn ở trên tấm bìa. Sau khi con thêu xong, nhớ khen ngợi và lưu trữ tấm bìa lại nhé. Sau này con lớn, con sẽ vô cùng thích thú đấy.
- Học nấu cơm cùng cả nhà.
Con đã có thể cùng nhặt rau, rửa rau, đập trứng, đánh tan trứng, cắt đậu phụ bằng dao nhựa, dọn bàn ăn, xếp bát đĩa,… Vậy lý do gì mà cha mẹ không cho con làm chứ, hãy cho con tự làm đi nào.
- Rửa bát.
Tuổi này con học rửa bát được rồi. Rửa bát cả bữa ăn thì hơi có vẻ chán vì nhiều bát quá. Tuy nhiên, nếu con rửa xà phòng, mẹ tráng và bố cất bát thì thật vui, con thích lắm đấy. Vậy sao không cho con thử làm?
- Lau bàn, lau ghế, lau tủ lạnh và các vật dụng trong nhà.
Một chiếc khăn nhỏ, một chiếc chậu bé xinh và chút xíu nước vừa là niềm vui vừa là đóng góp quan trọng để xây dựng gia đình ấm cúng. Vì thế, tại sao cha mẹ không cho con làm?
- Dạy con ứng xử / ứng phó với người lạ.
Đặt ra quy tắc cho con là với người xa lạ, con chỉ được phép chào hỏi lễ phép khi họ hỏi đến con chứ không được nói gì thêm hay đi theo ai. Giao tiếp thân ái, lễ độ với người xung quanh nhưng giữ một khoảng cách an toàn là việc mà bất cứ cha mẹ nào cũng phải dạy con. Tuổi này là dạy tốt nhất đấy.
- Mua hàng ở những cửa hiệu tạp hóa gần nhà.
Nếu quanh đó có các hiệu tạp hóa, cha mẹ cần cho con thử sức tự đi mua. Làm quen dần với tiền ở những món đồ nho nhỏ, tự mình đi một quãng đường ngắn ra ngoài (không qua đường) sẽ khiến con tự tin rất nhiều trong giao tiếp và ứng xử. Cha mẹ hãy chuẩn bị số tiền đúng bằng hoặc hơn chút với món đồ cần mua và nhờ con đi mua. Nhớ dặn con chào hỏi, nói năng thật lễ phép.
- Tự sắp xếp tủ quần áo.
Một tuần một lần, cha mẹ yêu cầu con tự sắp xếp lại tủ quần áo. Vì đây là việc rất nhàm chán nên cha mẹ cần có sự thách thức. Nếu đua xem bố mẹ và con ai sẽ dọn tủ của bản thân mình nhanh hơn thì con sẽ làm nhanh như điện cho mà xem.
- Trượt Patin.
Món này thú vị lắm nhé. Nó vừa là thể thao, vừa là tập khéo léo. Con có thể ngã, chưa quen. Nhưng con sẽ dần dần khéo léo, cho con trượt Patin để con biết và làm quen với tốc độ.
- Tập xe đạp.
Tập xe cho trẻ từ 4-5 tuổi này không khó. Nhiều bé biết đi ngay sau hai buổi. Điều quan trọng cha mẹ cần làm là đảm bảo an toàn cho con khi tập xe và tập trượt Patin. Có rất nhiều nơi bán các đồ bao tay, bao chân, mũ bảo hiểm để bố mẹ mua cho con.
- Bơi.
Đây là việc vô cùng quan trọng với tụi nhỏ. Bơi không chỉ là một kỹ năng quan trọng mà còn làm tăng khả năng ứng phó của con trong những trường hợp đuối nước. Cha mẹ cần cho con đi học bơi ở lớp thật bài bản. Lúc này chính là lúc con cần dành thời gian cho kỹ năng này.
- Các trò chơi đố chữ.
Cha mẹ cần tăng cường vốn tiếng Việt cho con để con chuẩn bị vào lớp một. Cách chơi là hãy đố con tìm những từ trái nghĩa hay đồng nghĩa với từ nào đó. Đừng nói chữ trái nghĩa/ đồng nghĩa, trẻ con không hiểu đâu. Cha mẹ lấy ví dụ ra để thách con, nó hiểu cách chơi ngay. Ví dụ nhé: Mẹ biết từ nóng và lạnh là ngược nhau, vậy từ trắng ngược với từ gì? Đứa trẻ hiểu ngay, nó sẽ nói: ĐEN Ạ. Và trò chơi cứ thế tiếp diễn.
Một cách nữa là hãy rủ con chơi trò chơi tìm những chữ có vần nào đó. Ví dụ: Con hãy tìm những từ có vần ”L” như: làng xóm, lung linh. Đứa trẻ sẽ chơi hào hứng ngay. Nhớ là khi chơi phải thật công bằng và nếu thua thì nhận đi nhé. Bố mẹ mà ăn gian thì lần sau bọn trẻ ghét, sẽ không chơi với bố mẹ nữa đâu.
- Chăm sóc vật nuôi.
Các bạn đã có thể chăm sóc vật nuôi được rồi. Việc chăm sóc đó sẽ giúp các bạn trở nên nhân ái hơn, yêu thương cuộc đời hơn. Nhưng chó và mèo thì khá bẩn và dễ lây bệnh. Một vài chú cá nhỏ hoặc một chú chim hót véo von hay một chú hamster sẽ giúp trẻ nhiều lắm đó. Con sẽ tập cho ăn, tập dọn vệ sinh cho vật nuôi (nhớ đeo bao tay nilon)… Thú vị lắm.
- Chăm sóc người nhà khi bị ốm, đau mệt mỏi.
Nếu ai đó trong nhà có biểu hiện mệt mỏi mà không lây nhiễm, cha mẹ có thể yêu cầu con chăm sóc người đó như: lấy nước, lấy khăn, đắp trán, sờ trán, bón cháo… Con đảm nhận một vài trách nhiệm nho nhỏ đó sẽ thấy mình trưởng thành và ngoan hơn nhiều đấy nhé.
- Chơi các trò chơi dân gian:
Đánh tam cúc, ô ăn quan, chơi chuyền, bắn bi, nhảy dây chun, nhảy dây thừng… là những trò chơi tuyệt vời. Tớ nhớ chương trình hè của tớ có mấy cháu chưa đi học nhưng chơi trò Ô ăn quan siêu cao thủ đến mức bác Hương còn thua chạy dài. Dạy cho con chơi đi. Vui lắm đấy.
- Chơi vui cùng bạn bè quanh xóm.
Các trò chơi trên, những môn thể thao và kể cả trò kỹ năng sống mà cùng làm với nhau thì vô cùng hấp dẫn trẻ. Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con chơi với bạn bè quanh xóm.
Tất cả những món mà bọn trẻ từ một đến ba tuổi phải biết tớ đã liệt kê ở các bài trước. Như vậy, với bọn 4-5 tuổi thì chúng phải biết hết cả những bài học đó cộng với 18 bài học lần này. Như vậy, thời gian biểu làm việc của trẻ bận rộn lắm rồi. Đừng cho con xem tivi, chơi máy tính, laptop, Ipad,… hay học chữ quá sớm. Những thứ đó hại não con đấy nhé.